Cũng Một Chuyến Bay

                       Đào Quang Vinh

Trời về chiều, sân bay Đà Nẵng thật oi bức, tuy là vùng biển nhưng gió thổi vẫn mang theo hơi nóng, đẩy những hạt cát nhỏ li ti bay vương vãi trên mặt xi măng trắng đã ngả mầu của bến đậu. Chiếc máy bay mầu xám quân đội độc nhất còn lại, cô đơn, kiên nhẫn đợi chờ như chấp nhận chuyến bay muộn màng nhất trong ngày.

Khách đón tầu, dăm ba anh lính về phép, còn lại đa số là gia đình quân nhân. Họ đã chờ gần hết ngày, nay mới được thông báo sửa soạn lên đường. Tôi theo đám đông, xếp hàng ba tiến tới chiếc phi cơ bốn máy. Lòng hớn hở như hòa mình với cơn gió nhẹ ngập tiếng cười đùa của vài ba thiếu nữ đang líu lo phía trước. Gió làm bay những tà áo mầu thước tha, vô tình đã làm nhẹ bớt đi cái vẻ khô khan của chuyến bay quân sự cuối ngày. Phi hành đoàn, toàn những sĩ quan trẻ. Họ thông báo sẽ không bay thẳng về Saigon mà phải ghé qua Ban Mê Thuột lấy thêm hàng. Một chuyến bay vừa chở khách vừa chở hàng, đối với những người thường xuyên dùng phương tiện này để di chuyển, cũng chẳng phải là chuyện lạ. Cái bực bội, bồn chồn lo âu ngồi chờ đợi từ sáng đến xế chiều, nay mới được lên tầu, nhiều người đã thở ra nhẹ nhõm, hầu như đã được trút bỏ được gánh nặng trên vai để bước chân nhẹ nhàng hơn tiến đến con tầu mong đợi. Phi cơ sẽ ghé qua một trạm khác nữa rồi mới được thong dong về nơi đã định, đối với tôi phi cơ ghé đâu cũng được, có ghé qua dăm ba cái trạm nữa cũng chẳng sao, vì tôi biết chắc chắn thế nào rồi tôi cũng có mặt tối nay tại Saigon trước giờ giới nghiêm.

Quanh tôi, trong đám những người vừa quen nhau đang xếp hàng lên tầu, có những bộ mặt thật hân hoan và những mẩu chuyện vui được kể, đặc biệt nhất, từ các anh quân nhân đi phép. Chính vì quyền lợi của họ mà hôm nay tôi được đi "ké". Tôi không biết họ được nghỉ bao nhiêu ngày phép, nhưng biết chắc là họ đã bị thiệt thòi, mất đi một ngày dài chờ đợi nơi phi trường. Lạ một cái, chiếc phi cơ này đã có mặt từ trưa tại sân bay nhưng không hiểu vì lý do gì mà mãi đến tận giờ này mới được cất cánh. Hỏi cho vui chứ thật tình tôi chẳng thắc mắc gì cho lắm vì biết mấy ông phi công có đi sớm về trưa thì bao giờ cũng có lý do chính đáng của họ. Đối với tôi những gì dính dáng tới lính đều là bí mật quân sự, chẳng nên thắc mắc cho bận tâm. Vả lại sự chậm trễ đó nếu do mấy cái chuyện riêng tư của các chàng phi công, thì lại càng không nên nói. Họ còn trẻ, làm sao tránh được những cuộc vui bất chợt ùa tới. Tôi là người khách đi quá giang không nên đòi hỏi quá mức, vì thế có lẽ tôi là người hành khách được hạnh phúc nhất trong chuyến bay này.Tôi thỏa mãn vì tự dưng tiết kiệm được tiền vé trong lúc phương tiện di chuyển thật khan hiếm. Vé chợ đen lên cao mà dẫu có tiền cũng chưa chắc mua được sớm. Vé "chùa" của người “anh họ bất đắc dĩ”, đã dành cho tôi một ngân khoảng không phải là ít. Số tiền đó tôi có thể rong chơi cả tuần lễ với phong cách của một công tử con nhà giàu. Tôi hăng hái, xách hành trang lên tầu lòng rộn ràng. Người lính không quân đóng cửa lên xuống, kiểm soát lại rất cẩn thận rồi men theo từng dẫy ghế, nhắc nhở hành khách khóa lại dây an toàn.

 Chiếc máy bay lững thững bò ra sân, rồi tiếng thử máy ồn ào, theo thứ tự  từng động cơ một, thi nhau  gầm thét như thị oai, làm rung nhẹ đôi cánh sắt. Tôi nín thở chờ đợi cái giây phút căng thẳng sắp tới lúc tầu cất cánh dời phi đạo. Tôi mường tượng lúc bấy giờ, trên sân bay thẳng tắp, con tầu như một mãnh hổ hung dữ, với cặp mắt đăm đăm, nhún vai, phẩy đuôi trước khi dồn toàn lực, phóng vào con mồi ngon đã được rình rập từ lâu. Rồi tầu chuyển mình, cả bốn động cơ  ở vị thế tối đa, đẩy con tầu lao vụt về phía trước. Tôi thấy lâng lâng và hình như có cả tiếng xào xạc của bánh xe đang chuyển động phía dưới bụng, mỗi lúc một dồn dập hơn hòa với tiếng máy, tạo thành một hợp âm ngộp thở. Tiếng xào xạc ấy nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút, chỉ còn lại tiếng động cơ. Tôi biết tầu đang lên cao và dường như tiếng máy nổ cũng đỡ khô hơn trước.

 Tầu bắt đầu dời xa thành phố và tôi cũng xa dần những kỷ niệm đã vun đắp trong ba năm dài lập nghiệp tại đây. Xóa bỏ tất cả những cố gắng của tôi đã tạo cho được một tiệm thuốc tây đúng tiêu chuẩn. Cái hăng say của một dược sĩ mới ra trường, bên một mối tình nóng bỏng mà Nga đã dành riêng cho tôi. Ngày ấy, tôi đã chấp thuận về đây, quê nàng, để khai thác một tiệm thuốc, chờ ngày chính thức hỏi nàng làm vợ. Hơn ba năm trời đeo đuổi, bây giờ tôi mới nhận chân được sự thật. Tôi đã vô tình trở thành một trung tâm phân phối thuốc trụ sinh ngoài ý muốn. Khách hàng thực sự chỉ có trên đầu ngón tay nhưng người trong "họ hàng chòm xóm" nhà nàng là một con số đáng kể. Nga nhiều lần thỏ thẻ giải thích với tôi về sự kiện này "...thôi anh hãy giúp họ đi, cho họ có cơ hội buôn bán kiếm chút ít tiền sống qua ngày".  Cái lý do thật tốt đẹp và tôi đã nghe lời nàng vả lại tôi cũng muốn tạo một chút cảm tình với họ hàng bên nhà vợ tương lai. Việc cung cấp ấy không khó khăn gì, vì nó trong tầm khả năng của tôi. Sau này, theo nhu cầu của tình hình ngoài chiến trận, sự đòi hỏi thuốc men càng ngày càng tăng. Tôi bắt đầu để ý và có lần hỏi thẳng Nga. Những câu trả lời của nàng không giải tỏa được cái thắc mắc chính đáng của tôi. Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn vui lòng để cung cấp đầy đủ số thuốc, thỏa mãn cho nhu cầu bên gia đình "nhà ngoại". Cho đến một ngày, chính cha nàng, ông đến gặp tôi. Ông thuyết phục tôi chuyển hướng để gia nhập vào một trung tâm bào chế thuốc nội hóa tại một địa điểm mật. Tôi đắn đo suy nghĩ, cuối cùng thì đã quyết định chẳng làm vừa lòng ông bố vợ tương lai được. Bất mãn, ông ra về với nét hằn học hiện rõ trên gương mặt sạm nắng của ông. Tôi linh cảm rồi sẽ có chuyện chẳng lành, ảnh hưởng đến chuyện tình của chúng tôi. Tôi có nói cho Nga biết về việc này. Nghe xong nàng giận dỗi vì lời từ chối quá phũ phàng của tôi đối với cha nàng. Nga đã không nghe lời giải thích của tôi mà trái lại nàng còn cố khuyên nhủ tôi chiều theo ý cha nàng. Theo ông vào bưng hoạt động đó là điều tôi không muốn. Nga vì nặng tình gia đình, bổn phận của một đứa con đối với cha, việc nàng làm không đáng trách. Tôi thông cảm điều ấy nhưng vẫn phải khước từ với nàng. Sau khi tìm mọi cách dẫn dụ, rồi tuyệt vọng vì không lay chuyển được lập trường cứng rắn của tôi. Không thực hiện được dự định mà nàng đã có từ lâu. Nga bất bình và tỏ thái độ miệt thị tôi bằng những lời bất nhã. Tôi chẳng ngờ có ngày như thế này. Nói một mạch cho hả giận xong, Nga vùng vằng bỏ đi. Tôi sững sờ không tin được chính tai mình lại nghe những lời nói quá sỗ sàng ấy phát xuất từ miệng một người con gái mình thương. Hơn ba năm rồi thời gian quá dài để tìm hiểu nhau mà giờ này tôi vẫn chưa tin được những lời nói và hành động đột xuất của nàng nặng đến như thế. Nga xa tôi từ dạo ấy. Còn tôi thì vẫn cố tìm dịp để bắt liên lạc với nàng hầu mong nối lại được tình cũ nghĩa xưa.

Trận chiến bên ngoài càng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đậm đến đời sống của người dân thành thị nhất là vùng Đànẵng khu tôi ở. Tôi bắt đầu lo lắng, cùng một lúc với những lá thư  của bố mẹ tôi càng ngày càng nhiều gởi tới, dục gọi tôi về. Tôi hoang mang, nghĩ đến Nga mà thấy lòng bồn chồn. Trước khi quyết định xa nơi đây, tôi nhất quyết một lần chót tìm mọi cách để được gặp lại nàng. Mỗi khi có người quen của Nga đến mua thuốc, tôi đều hỏi tin tức về nàng, mà tin Nga thì vẫn biệt tăm Tôi biết họ đã dấu tôi. Tôi nghĩ chỉ có họ mới có thể giúp tôi tìm đến với Nga, và tôi đã nghĩ ra cách để dùng họ. Tôi bắt đầu cắt giảm số thuốc xuất ra. Họ năn nỉ, tôi cũng không chiều lòng họ. Lượng thuốc phân phối càng giảm thì lời năn nỉ càng thảm thiết hơn. Tôi đoán biết sắp đến lúc thành công, sắp đến lúc tôi chẳng cần phải hỏi mà tự nhiên sẽ biết tin về nàng. Tôi hãnh diện mỉn cười đắc thắng với cái thế lợi của mình đang có và ngồi chờ.Tôi đoán không sai, tôi biết chắc chắn mà. Chuyện phải tới nó sẽ tới và tôi đã có đầu dây mối nhợ để móc nối liên lạc lại với Nga. Người đàn bà quê mùa thường đến lấy thuốc có hứa giúp tôi, và đặc biệt kỳ này có dẫn theo một thiếu niên. Hắn có nước da trắng, thân hình nhỏ và cao dong dỏng đang ở tuổi học trò. Sau khi trả tiền sòng phẳng bà Thái, tên người đàn bà mua hàng, rất mãn nguyện với số thuốc gấp bội tôi trao. Bà Thái nói:
-  Như đã hứa với ông về tin tức của cô Nga, hôm nay tôi giới thiệu với ông "cậu Bẩy". Cậu ấy ở gần chỗ cô Nga làm việc…
 Mừng rỡ tôi chẳng đợi người đàn bà dứt lời, tôi quay sang cậu Bẩy hỏi dồn:
-  Cô Nga bây giờ ở đâu?
 Người thiếu niên nhìn tôi, lắc đầu:
-  Em chưa nói được.
Tôi bắt đầu nổi sùng, có lẽ người đàn bà này lừa tôi để tiếp tục có số thuốc lớn khác cho kỳ tới. Tôi hơi lớn tiếng:
-  Bà nói lần này có tin của Nga nên tôi mới để cho bà số thuốc như thế, bây giờ lại chẳng có tin tức gì cả như vậy là thế nào?
Bà Thái ôn tồn nhìn tôi, giọng bình tĩnh:
-  Tôi có bắn tiếng về cho cô Nga nhưng họ không tin tôi và cho cậu Bẩy đây đi theo để dò tin.
Bà cười nhạt nhìn tôi rồi nói tiếp:
-  Họ cũng cần số thuốc gấp đôi kỳ này mong ông cố giúp dùm cho. Cậu Bẩy sẽ thay tôi liên lạc với ông lần tới.
Tôi nhìn Bẩy dò hỏi. Bẩy gật đầu, xác nhận:
-  Lần sau em sẽ mang tin của chị Nga đến cho anh, em còn phải hỏi qua chị ấy xem chị có bằng lòng không đã.
Sau khi bà Thái ra về, trong phòng chỉ còn tôi và cậu Bẩy, tôi khép cánh cửa lại. Thằng Bẩy do dự, nhìn qua phía cửa sổ dò xét, như muốn biết chắc là bà Thái đã đi xa, rồi nó nhìn tôi giọng quả quyết:
-  Nếu chị ấy không bằng lòng, em cũng cho anh biết tin mà.
Tôi mừng trong lòng, thấy nó thật dễ thương. Tôi lấy cảm tình với nó, tôi rủ Bẩy đi ăn. Thằng bé thật chất phát, hoan hỉ nhận lời. Tôi đóng cửa tiệm treo bảng đi ăn trưa, lòng phơi phới nghĩ tới khuôn mặt đẹp và nụ cười tươi của nàng. Một tuần lễ thật dài, đúng hẹn thằng Bẩy đến lấy hàng. Tôi vui vẻ khi thấy nó thấp thoáng ngoài cửa ra vào. Vì số thuốc quá nhiều với tầm vóc của nó. Thằng Bẩy nói với tôi:
- Chiều em quay lại.
Nó nói lý do nó đến vì muốn biết chắn chắn là đã có hàng. Tôi vội hỏi thăm về Nga. Nó trả lời:
- Chuyện dài lắm, chiều nay em sẽ nói hết cho anh nghe, bây giờ em phải đi.
Tôi xoa tóc nó và dặn:
- Nhớ đến sớm nhé.
Nó gật đầu, đi ra phía cửa còn quay lại vẫy tay chào. Tôi có cảm tình nhiều với thằng Bẩy và suốt ngày hôm đó tôi đã ôm chặc niềm vui, nó đã mang đến, trong lòng. Tôi hút gió vài bản nhạc tình, tuy chẳng bản nào được trọn vẹn. Những bản nhạc ngày xưa tôi thích mà đến nay tôi đã quên bẵng đi gần mất một nửa. Cả một ngày dài đi ra, đi vào, tôi ngóng trông thằng Bẩy đến, như hồi còn nhỏ ngóng mẹ về chợ. Thế rồi nó cũng đến vào lúc sẩm tối, mang theo một người khách lạ lớn tuổi hơn nó. Tôi không vui cho lắm vì có người lạ thì làm sao thằng Bẩy dám chuyển tin của Nga cho tôi. Tôi tìm cớ thoái thác hẹn thằng Bẩy sáng mai trở lại đi ăn sáng và lấy hàng luôn. Đang nói tôi nhận thấy phản ứng của người đối diện biến đổi nhanh chóng trên gương mặt, và linh tính cho tôi biết rằng sẽ có chuyện không hay. Người khách lạ nhìn tôi đăm đăm vài giây rồi hất hàm giọng hăm dọa:
- Đừng có giỡn mặt. Hàng đâu?
Tôi đang ngơ ngác trước thái độ vô lễ của hắn rồi liếc qua thằng Bẩy. Thằng bé vẫn tự nhiên dường như nó đã quen với cảnh này. Tôi bắt đầu lo sợ, không biết phải ăn nói làm sao. Người đàn ông lạ để cái túi vải nhỏ nặng trên bàn. Tiếng va chạm như tiếng kim khí với  mặt bàn, tôi biết không phải là tiền mua hàng. Tôi còn đang ú ớ chưa biết nói gì thì hắn ta đã chỉ tay về phía cái túi và nói:
- Mạng của mày là ở trong này, khôn hồn thì trao hàng gấp cho tao.
Ngạc nhiên, mắt liếc nhìn thằng Bẩy, chân tôi run, chập chững đi vào trong kho. Người đàn ông theo sát tôi không dời một bước. Tôi trao vội số thuốc trụ sinh đã được gói sẵn. Hắn nhìn tôi rồi quay sang thằng Bẩy ra lệnh kiểm soát lại trong kho. Hắn thấy cái túi da cũ đựng quần áo dơ của tôi chưa đem đi giặt, treo trên chiếc cột gần đó. Hắn đổ hết quần áo xuống đất rồi liệng cái túi không cho thằng Bẩy, tay chỉ số thuốc trên giá. Thằng bé gật đầu, lùa số thuốc ấy vào cái túi da. Chưa hài lòng vì cái túi vẫn còn trống, thằng Bẩy quay lại phía sau, tiện tay nó gạt nốt số thuốc trên chiếc kệ khác. Nó chẳng cần hiểu đó là loại thuốc gì miễn sao nhét cho đầy cái túi to hơn cả chiều ngang của thân hình nó. Thằng bé nhanh nhẹn quá không hiền lành như lúc nó đi ăn với tôi lần trước. Nhận thấy đã đủ, kẻ lạ mặt kéo tay thằng Bẩy đi ra cửa.
 Tôi gọi với:
- Bẩy
Thằng bé giựt mình quay đầu lại. Phản ứng nhanh như chớp, kẻ lạ mặt rút trong mình ra một khẩu súng nhỏ, chĩa thẳng về phía tôi. Hắn tưởng tôi đòi tiền. Mặt mũi tôi tái mét tay run run chỉ về cái túi nhỏ phía bàn, lúng túng nói:
- Ông...để quên...cái túi.
Hắn nhìn tôi cười, hàm răng đen cáu bẩn, giắt khẩu súng vào cặp quần, trong áo, rồi lặng lẽ tiến về phía chiếc bàn. Hắn hé mở cái túi, chìa về hướng tôi. Một trái lựu đạn tôi không biết thuộc lọai nào nằm gọn trong chiếc túi vải mầu nâu cũ. Hắn nhìn tôi rồi nói:
- Cái này đổi cho số thuốc hôm nay.
 Nói xong hắn cười rồi kéo thằng bé ung dung ra khỏi cửa tiệm. Hắn đi rồi mà tôi vẫn còn run, ngồi bệt xuống sàn nhà ngồi thở dốc, mấy lọ thuốc rơi rớt vung vãi trên nền xi măng vẫn còn đó. Một hồi sau tôi mới nhận ra là cửa ra vào chưa đóng. Tôi lồm cồm đứng dậy, mệt mỏi đi ra khóa cửa rồi tắt đèn ngồi trong bóng tối thêm một hồi nữa. Tôi đợi bọn họ đi thật xa rồi mới dám ra về, bụng đói nhưng không dám đi ăn. Con đường về nhà hôm nay sao dài hun hút và ánh đèn đường cũng mờ hơn mọi ngày. Tôi đi bộ, lòng lo sợ thỉnh thoảng vẫn phải cẩn thận, rón rén liếc lại phía sau coi chừng. Đi được già nửa đường tôi mới chợt nhớ đến cái túi nhỏ mầu nâu còn để lại tại bàn. Khi đóng cửa trong bóng tối tôi đã vội vã không kiểm soát lại như mọi ngày. Do dự một hồi, tôi quyết định quay lại đem nó vứt vào một lỗ cống công cộng gần nhà.

Những tháng ngày sau đó tôi sống trong tình trạng không an toàn, lo sợ cho công việc làm ăn của tôi. Thật nguy hiểm nếu còn muốn bắt liên lạc lại với Nga. Sau một tuần lễ suy đi tính lại, tôi quyết định bán rẻ cơ sở làm ăn. Tôi không dám đăng báo, sợ bứt dây động rừng. Nghĩ ngợi gần tuần lễ rồi chợt nhớ đến người chủ nhà. Vợ chồng họ có đôi ba lần nói thoáng qua về dự định mở tiệm thuốc. Tuy biết họ rất quí mến tôi, nhưng tôi vẫn cho đó chỉ là cái cớ để họ dễ tăng tiền nhà. Những năm vừa qua, tiền thuê cửa hàng bao giờ tôi cũng trả sằng phẳng mặc dù trong ba năm họ đã tự nhiên lên giá nhà hai lần tôi cũng chả màng. Vợ chồng họ coi tôi như một người hiểu biết, dễ tính và thành thật. Sau đợt lên giá nhà lần chót ông ta đã hứa với tôi "tôi coi chú như người em trong nhà nên quyết định không tăng tiền nhà nữa, chú muốn dùng đến bao giờ cũng được". Nhận thấy ông vui vẻ, vả lại tôi cũng có chút ít thiện cảm với với cô con gái đầu lòng của ông.Tháng trước vô tình ông có khoe về cô con gái vừa đậu dược sĩ và ông cũng nhắc lại cái ý định mở tiệm thuốc cho con. Tôi coi ông như một người anh nên khi chia vui và đã nói đùa, "anh có mua tiệm thuốc, tôi để lại cho nhưng với giá gắp đôi ngoài thị trường đấy". Tôi có cái tật là cứ mỗi khi nghe ông "anh họ" nhắc đến tên cô con gái là tôi nghĩ, dường như ông đang có một dự tính gì để gán ghép tôi với nàng. Cô bé ấy trông được nhưng thật tình mà nói làm sao mà sánh kịp với người yêu của tôi. So với Nga, nàng chưa phải là địch thủ đáng kể của Nga. Nay vô tình nhớ đến họ tôi liền có ý định đến gạ gẫm để sang tiệm. Tôi lấy cớ bán cơ sở vì muốn về lại Saigon, và muốn ở gần với gia đình, mẹ tôi nay cũng đã già rồi. Đúng như dự đoán của tôi và cũng hợp với điều mong muốn của họ có từ lâu, nay lại được thêm điều kiện dễ dãi. Ngoài giá cả rẻ rề tôi còn đồng ý để họ dùng tên tôi trong vòng vài tháng chờ đợi làm thủ tục sang tên cho cô con gái cưng. Đúng lúc gia đình ôngï cần khai thác cho nghề mới của con gái mà tôi lại tự nguyện đem dâng, chẳng khác gì làm cỗ sẵn cho gia đình ông xơi. Ông mừng như mở cờ trong bụng. Quá vui sướng ông "anh họ" của tôi đã cao hứng, hứa sẽ chạy chọt cho tôi một vé máy bay Quân Đội về Saigon. Cầm tấm vé trong tay, tôi đã nói đùa với ông:
- Chắc anh muốn tống cổ tôi đi càng sớm càng tốt, nên không cho vé khứ hồi.
Ông chỉ cười cười nói với tôi:
- Khi nào rảnh qua đây mời chú lại chơi
Bây giờ trở về Saigon, mang theo mối tình què quặt. Người yêu xa cách chỉ vì hai đứa không cùng chung một lý tưởng. Nga đã bỏ đi không tiếc rẻ, đốt bỏ tất cả những kỷ niệm đã được vun trồng.  Tôi vẫn yêu nàng và mang trái tim rướm máu trở về thành phố cũ nơi đã nẩy nở cho mối tình đầu đời bồng bột. Ngày ấy, tôi đã mon men lại gần làm quen với Nga. Người con gái mảnh khảnh có nước da trắng đã hút hồn tôi ngay từ lúc đầu của buổi tiệc mừng ngày tôi ra trường. Nga đến theo lời mời của cô em họ tôi nên được coi như người nhà chứ không phải là khách lạ. Nga thật dịu dàng, thông minh và lanh lợi đã làm buổi tiệc của tôi thêm ý nghĩa. Những bà bạn của mẹ tôi tinh ý đã đến chia vui cùng bà với những câu nói xa, nói gần về người con dâu tương lai, ám chỉ Nga. Mẹ tôi chỉ mỉm cười vì thật tình bà cũng chẳng biết rõ về người con gái tháo vát ấy cho lắm...

Chiếc tầu lượn thêm một vòng nữa rồi sẵn sàng đáp xuống sân bay Ban Mê Thuật. Bụi đỏ bay cuồn cuộn, đuổi theo con tầu vừa chạm đất. Sân bay ở đây nhỏ, khách cũng lưa thưa khí hậu lanh lạnh về chiều. Sân bay vắng quá, mầu đỏ của bụi đất bám trên tường vách của trạm hành khách lâu ngày, cáu bẩn, đã biến mầu vôi vàng nhạt sang mầu hồng loang lỗ.  Một chiếc trực thăng mầu ngụy trang, từ đâu bay tới, xà xuống, đậu biệt lập gần khu hàng rào. Mầu sơn của chiếc tầu chìm trong cảnh hoang dã của vùng rừng bao quanh phi trường. Hai người khách dời chiếc trực thăng, xách ba-lô, chạy vội về phía chúng tôi đang đứng chờ. Họ nói một đôi câu với người hạ sĩ quan của trạm hành khách. Tôi không hiểu họ nói gì với nhau mà chỉ thấy nhân viên của trạm gật đầu lia lịa. Rồi chúng tôi được mời xuống, ngồi đợi ngoài tầu cho họ lên hàng. Ở ngoài này thoáng, dễ chịu hơn trong lòng tầu vì có những cơn gió nhẹ thổi dường như mang theo cả hơi nước. Trên trời bắt đầu có những đám mây xám kéo tới thật nhanh, làm tăng cảnh ảm đạm vốn đã có sẵn của sân bay. Từ phía cổng, một chiếc xe nhà binh Dodge 4x4 chạy vào, tiến thẳng về phía chiếc trực thăng đang chờ. Hai người khách lúc nẫy chạy vội lại phía chiếc xe. Người ta chuyển những tù binh đang bị trói ké tay về phía đằng sau, chuyển tiếp lên trực thăng. Có vài người bị thương trong số ấy có một thiếu nữ nằm trên chiếc băng ca, được đem lên trước nhất. Tôi chẳng để ý gì đến đến người nữ  ấy nhưng bỗng giật mình khi nhận ra người đàn ông bị thương đi sát theo sau. Đúng rồi không thể nào tôi lầm được khuôn mặt khắc khổ sạm nắng của bố Nga. Tay tôi bắt đầu run, giọng lắp bắp không nói nên lời. Phản ứng tự nhiên, tôi chạy vội lại xem cho rõ mặt người thiếu nữ nằm trên cáng cứu thương mà tôi có linh cảm là Nga. Nhưng nhân viên trạm đã nhanh tay, nắm vai áo tôi kéo dựt lại. Sững sờ tôi giải thích với họ vì tò mò tôi chỉ muốn tới gần để xem. Họ không cho phép tôi làm như vậy. Không được như ý, bực mình tôi ngồi bệt xuống đất thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm vai. Rồi đứng lên, ngồi xuống không yên, mắt vẫn không dời nhìn về hướng chiếc trực thăng cách tôi không xa lắm. Ông bố của Nga thoáng nhận ra tôi, đôi mắt ngạc nhiên, im lặng, rồi ông hướng đầu về phía nàng, lắc đầu. Người áp tải đẩy mạnh người tù vào trong tầu rồi đóng cửa. Cánh quạt từ từ quay, nâng bổng chiếc trực thăng lên khỏi mặt đất, lượn một vòng nhỏ trên sân rồi nó lên cao bay về hướng đông. Tôi vẫn còn đứng đó, dõi nhìn theo mà lòng thấy xót xa. Nga của tôi đang quằn quại với vết thương. Cái lắc đầu của người cha như báo cho tôi biết tình trạng rất nguy ngập của nàng. Đôi mắt mất thần ấy làm tôi lo sợ, hình như ông đang đặt hết hy vọng vào vận tốc của chiếc trực thăng, mong nó nhanh chóng đến nơi cứu cấp kịp thời. Ông đang lo lắng cho mạng sống của con gái ông. Tôi như người vô hồn, theo đám hành khách lên lại tầu. Nửa đường bay còn lại tôi không còn thấy hân hoan như lúc ban đầu mà quanh đây hầu như chỉ còn toàn là bóng tối. Tiếng nói chuyện rù rì, người ta đang bàn tán về cuộc đột kích đêm qua. Những tổn thất nặng nề của cả hai bên. Tôi không biết chuyện gì đã xẩy đến cho Nga và nguyên do nào mà bố Nga quyết định ở lại để bị bắt với nàng nếu không phải là tình cha con.

Cũng cùng một chuyến bay, nửa chặng đầu tôi muốn xa Nga thật nhanh, nửa đoạn đường sau tôi muốn bỏ dở cuộc hành trình để chạy lại gần nàng, để được chia xẻ những đớn đau mà Nga hiện giờ đang phải gánh chịu. Hai loại phi cơ, mỗi chiếc bay về một ngả, hai phương trời xa lạ cách ngăn. Tôi thấy thương Nga vô cùng. Tôi biết tôi vẫn còn yêu nàng say đắm. Chúng tôi đã sinh lầm thế kỷ. Thế hệ này chẳng thấy yêu thương mà chỉ còn có hận thù. Chiến tranh thật tàn khốc, diệt chủng. Cuộc nội chiến đã làm hao hụt biết bao nhân tài, diệt biết bao cuộc tình vô tội. Tôi chán nản buồn bã, nhìn qua khung cửa kính, để hình dung tới nàng, chẳng thấy bóng Nga đâu ngoài những cụm mây xám đọng nước, ẩm ướt như tâm hồn tôi đang trĩu nặng sầu đau.


Đào Quang Vinh
Trích trong "Cỏ Dại"
Xuất Bản 2003

 


Trôû Veà Trang Vaên Ngheä Khoâng Quaân Orlando