VIỆT NAM CỘNG HÒA:
10 NGÀY CUỐI CÙNG (2)

Trần Đông Phong (Trích trong: "Trần Văn Hương, Kẻ Sĩ Cuối Cùng" )


          Từ Hà Nội Không thấy Hoa Kỳ có phản ứng gì sau khi tỉnh Phước Long của VNCH bị Cộng sản chiếm, được sự khuyến khích và tăng viện của Liên Xô, Cộng sản Bắc Việt chấp thuận cho thi hành kế hoạch thứ hai, đó là Chiến Dịch 275 tức là chiến dịch nhằm tấn công và nếu có thể được thì chiếm một số tỉnh trong khu vực chiến trường B3 tức là vùng Cao Nguyên và chiến trường B4 tức là vùng phía Nam sông Thạch Hãn thuộc tỉnh Quảng Trị. Cộng sản Bắc Việt đề cử Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân vào Nam chỉ huy chiến dịch này. Tại Hà Nội, các cấp lãnh đạo đã nắm chắc được rằng Hoa Kỳ sẽ không còn dám can thiệp quân sự tại Đông Dương nhất là sau khi Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật War Powers Act hồi cuối năm 1973 cấm tổng thống Hoa Kỳ không được sử dụng quân đội nếu không được sự chấp thuận của quốc hội và nhất là đa số dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc Đảng Dân Chủ đang có khuynh hướng chống lại việc ủng hộ cho VNCH. Hai ngày sau khi Phước Long bị thất thủ, Phạm Văn Đồng đã tuyên bố với các ủy viên trong Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động rằng: "Bây giờ thì dù bằng cách nào, người Mỹ cũng không còn có thể gởi quân đội sang tham chiến tại Việt Nam được nữa. Họ có thể yểm trợ bằng không quân hay hải quân, tuy nhiên hai quân chủng này cũng không thể đem lại sự chiến thắng cũng như là thất bại. "Tôi nói giỡn, nhưng mà đó là sự thật, khi tôi khẳng định rằng dù có cho ăn kẹo, người Mỹ cũng không dám trở lại Việt Nam."*[5] Nắm chắc được yếu tố người Mỹ sẽ bỏ rơi Miền Nam, Cộng sản Bắc Việt thi hành Chiến Dịch 275 dưới quyền chỉ huy của Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân vừa mới được cử vào Miền Nam. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1975, Cộng sản tung ba sư đoàn 316, 320 và 10 chính quy của Cộng sản Bắc Việt tấn công vào Ban Mê Thuột, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 23 Bộ Binh của VNCH, tuy nhiên chỉ có một trung đoàn, Trung Đoàn 53, trú đóng chung quanh tỉnh này cùng với một số đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Qua ngày 11 tháng 3, Ban Mê Thuột bị xem như là thất thủ và sau đó thì những đơn vị còn lại của Quân Đoàn II đóng tại Pleiku đã được lệnh triệt thoái xuống vùng duyên hải miền Trung trên Quốc lộ 7B. Cuộc triệt thoái này được xem như là một thảm kịch, Cộng Sản Bắc Việt đã ra lệnh cho hai sư đoàn 320 và 968 liên tục tấn công và pháo kích vào đoàn quân và dân chúng và đến 10 ngày sau thì hơn ba phần tư quân số của Quân Đoàn II bị tổn thất, trong số gần hai trăm ngàn dân chúng hai tỉnh Pleiku và Kontum di tản, chỉ có khoảng 60 ngàn người về được đến Tuy Hòa và Nha Trang. Trước việc VNCH bị mất 4 tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku và Kontum, Hoa Kỳ không có một sự phản đối nào. Ngoại Trưởng Kissinger đang bù đầu về vấn đề Trung Đông, Tổng Thống Gerald họp với bộ tham mưu của ông để nghiên cứu xem Tổng Thống Hoa Kỳ có thể làm được những điều gì có thể giúp cho VNCH mà không vi phạm đạo luật War Powers Act. Tòa Bạch Ốc được cho biết rằng Hoa Kỳ không thể làm được bất cứ điều gì để can thiệp tại Việt Nam, dù là để cứu một số quân đội của VNCH. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể thuê mướn một số thương thuyền và phi cơ dân sự để di chuyển quân đội và chiến cụ cho VNCH ra khỏi những vùng nguy hiểm cũng như là cứu người tỵ nạn ở ngoài hải phận quốc tế mà thôi. Giới lãnh đạo Bắc Việt biết rằng "thời cơ" đã đến và ngày 19 tháng 3, Bắc Việt đã xua sư đoàn 341 là sư đoàn trừ bị của Bắc Việt vượt qua sông Thạch Hãn hợp lực với hai sư đoàn 324 và 325 chính quy tấn công chiếm tỉnh Quảng Trị trong vùng địa đầu giới tuyến. Ngày 20 tháng 3, Cộng sản chiếm An Lộc, chiếm Huế ngày 26 tháng 3, Quảng Tín ngày 24 tháng 3, Quảng Ngãi ngày 25 tháng 3 và Đà Nẳng ngày 29 tháng 3 năm 1975. Sau đó đến lượt Quy Nhơn mất ngày 1 tháng 4, Nha Trang ngày 3 tháng 4, Đà Lạt ngày 4 tháng 4, Phan Rang ngày 16 tháng 4 và Phan Thiết ngày 19 tháng 4. Ngày 7 tháng 4 năm 1975, Văn Tiến Dũng triệu tập một phiên họp của toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương của trung Ương Cục Miền nam Việt Nam tại Lộc Ninh thì một người khách thình lình xuất hiện, đó là Anh Sáu tức là Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, "Huy chương Nobel Hòa Bình năm 1974" và cũng là nhân vật Số Hai của chế độ Cộng sản Hà Nội. Đây là lần thứ tư Lê Đức Thọ vào Miền Nam với tư các là đại diện cho Bộ Chính Trị, trước đó "Anh Sáu Thọ" đã vào chỉ đạo cho Trung Ương Cục vào những năm 1967, 1971 và 1972. Lê Đức Thọ mang những huấn thị cuối cùng của Bộ Chính Trị về việc thiết lập một "bộ tư lệnh đặc biệt chỉ huy cả Trung Ương Cục Miền Nam" để phối hợp các cuộc hành quân tấn công Sài Gòn. Huấn thị của Đảng Cộng sản cử Tướng Văn Tiến Dũng làm Tư Lệnh, Phạm Hùng làm Chính Ủy, hai tướng Trần Văn Trà và Lê Đức Anh làm Tư Lệnh phó. Dĩ nhiên là Lê Đức Thọ có nhiệm vụ chỉ huy toàn thể bộ tư lệnh đặc biệt này, đó là "Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Hồ Chí Minh". Lê Đức Thọ cũng chuyển đến cho các thành viên trong Bộ Tư Lệnh một văn thư của Chủ Tịch Nhà Nước Tôn Đức Thắng nguyên văn như sau: "Các đồng chí phải chiến thắng. Nếu không thì đừng có trở về." Ngày 9 tháng 4 năm 1975, Cộng sản Bắc Việt tập trung 3 sư đoàn 6 , 7 và 341 chính quy tấn công vào thị xã Xuân Lộc. Sư đoàn 18 Bộ Binh của VNCH dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đã anh dũng chống cự lại những đợt tấn công của địch đông gấp 4 lần. Trung Đoàn 43 Bộ Binh đã anh dũng đẩy lui hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác của địch và đến ngày 10 tháng 4 thì địch quân vẫn chưa có thể chế ngự được trung đoàn này. Ngày 11 tháng 4, Cộng quân tấn công Trung Đoàn 52 Bộ Binh ở phía Nam Xuân Lộc, nhưng nhờ có lực lượng Biệt Động Quân và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tăng cường, cũng như là Không Quân đã liên tục oanh kích nặng nề vào các đơn vị Cộng sản khiến cho địch quân phải rút lui tại nhiều nơi. Ngày 12 tháng 4, Trung Đoàn 43 đã tái chiếm được thị xã Xuân Lộc trong khi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đang từ từ tiến chiếm lại từng khu vực do Cộng quân chiếm giữ từ phía Nam thị xã. Trong trận Xuân Lộc, Cộng quân đã pháo kích 10,000 viên đạn đại bác 130 ly vào thị xa, một số lớn chiến xa, 37 chiếc T-54 bị tiêu diệt và kể từ khi mở đầu cuộc tổng tấn công tại Miền Nam, đây là lần đầu tiên quân Cộng sản thiếu đạn dành cho pháo binh và chiến xa vì bắn quá nhiều . Tướng Văn Tiến Dũng phải cho tăng viện thêm hai sư đoàn 325 và 312 cho chiến trường Xuân Lộc. Dù được tăng viện nhưng Cộng sản cũng không thể chiếm được thị trấn này mà không bị tổn thất nặng nề hơn, Văn Tiến Dũng ra lệnh cho các đơn vị Cộng sản tiến vòng qua thị xã Xuân Lộc rồi theo quốc lộ số 1 tiến thẳng về Biên Hòa. Cho đến ngày 17 tháng 4 năm 1975, chỉ trong vòng 5 tuần lễ sau khi Cộng sản mở đầu cuộc tổng tấn công tại Ban Mê Thuột, 20 tỉnh và thị xã, gần một nửa lãnh thổ Miền Nam bị mất và về phía quân đội thì 2 quân đoàn I và II tức là một nửa quân đội bị tan rã. Đó là những thất bại quá lớn lao, quá nhục nhã cho Miền Nam Việt Nam và do đó, uy tín của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày càng xuống giốc. Từ các tướng lãnh trong quân đội, các đoàn thể chính trị cũng như là tôn giáo, từ giới trí thức cho đến giới bình dân, nhiều người đã bày tỏ sự bất mãn với chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và từ đầu tháng 4 năm 1975, có nhiều tin đồn về một vài âm mưu đảo chánh để loại trừ ông Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi chính quyền.
          Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã phúc trình với Ngoại Trưởng Kissinger rằng "có tin đồn một số tướng lãnh đang dự định lật đổ Tổng Thống Thiệu một khi mà Quốc Hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ bổ túc cho VNCH. Tôi (Đại sứ Martin) tin tưởng rằng nếu có một cuộc thương thuyết thì sự hiện diện của Tổng Thống Thiệu sẽ là một trở ngại và trừ khi Ngoại trưởng (Kissinger) không cho phép, tôi dự định sẽ nói chuyện thẳng với ông Thiệu rằng vai trò của ông Thiệu trong lịch sử sẽ được nhớ đến một cách tốt đẹp hơn với những thành quả mà ông đã làm, trái lại nếu ông ta còn ngồi lại quá lâu thì ông ta sẽ bị xem như là người đã thất bại, người đã ngăn cản những nở lực nhằm cứu vãn phần đất còn lại của Việt Nam còn có được một phần nào tự do. Tôi sẽ nói rõ ràng như pha-lê với TT Thiệu rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, như là "một người bạn luôn luôn chỉ muốn nói sư thật" và sẽ kết luận một cách rất khách quan rằng nếu ông Thiệu không làm điều này thì các tướng lãnh của ông sẽ ép buộc ông phải ra đi." Trong ngày 18 tháng 4, quốc hội Hoa Kỳ thông đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la nhưng trong số những quốc gia nhận được quân viện không có Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30 tháng 6 năm 1975, dù có còn tồn tại, VNCH cũng không còn nhận được một số tiền viện trợ nào dành cho quân sự nữa. Đại Sứ Graham Martin sau này cho biết ngày 18 tháng 4 năm 1975 Ngoại trưởng Henry Kissinger đã chỉ thị ông rằng "TT Ford đã chấp thuận để cho Đại sứ Martin đề nghị với TT Thiệu là ông ta nên từ chức". TỔNG THỐNG THIỆU TỪ CHỨC Theo cựu đại sứ Bùi Diễm thì sau khi ông về đến Sài Gòn vào trung tuần tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã nói với ông rằng: "ông phải nói sự thật với ông Thiệu." Cái sự thật mà Đại sứ Martin muốn nói là ông Thiệu đã hết thời rồi (Thieu was finished) và nếu cần thì chính ông Martin sẽ đích thân nói với ông Thiệu điều đó, tuy nhiên ông Martin muốn nhờ ông Bùi Diễm vào gặp và nói với ông Thiệu như vậy và yêu cầu ông Diễm cho ông ta biết sau khi đã chuyện với ông Thiệu về vấn đề này . Đại sứ Bùi Diễm không gặp được Tổng Thống Thiệu, đến ngày thứ sáu 18 tháng 4 thì ông gặp Đại sứ Martin, rồi qua ngày hôm sau thứ bảy 19 tháng 4, lại nói chuyện điện thoại lần nữa với ông đại sứ Mỹ. Đại sứ Diễm cho ông Martin biết rằng ông đã nhắn với TT Thiệu qua Đại tá Chánh Văn Phòng Võ Văn Cầm và cả cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng, nhưng ông Thiệu vẫn chưa trả lời. Đại sứ Graham Martin nói với ông Bùi Diễm rằng: " Được rồi, như vậy thì tôi phải đích thân vào gặp ông ta." [6] Ngày Thứ Sáu, 18 tháng 4 Theo hồi ký của cựu Đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon thì tối 18 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin gọi điện thoại cho ông và lần đầu tiên Đại sứ Mỹ đã nói rõ với ông về ý định của Hoa Kỳ đối với Miền Nam Việt Nam. Theo Frank Snepp, tác giả cuốn Decent Interval thì trong những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam Việt Nam, hai ông đại sứ Hoa Kỳ và Pháp đã có những mối liên lạc vô cùng mật thiết. Tác giả cuốn sách này cho biết Đại sứ Mỹ Martin đã ra lệnh phá một phần bức tường ngăn đôi hai tòa đại sứ và xây một cánh cửa để hai bên liên lạc với nhau mà người ngoài không ai hay biết, đồng thời ông đại sứ Pháp cũng gắn thêm một điện thoại riêng ở trong phòng à vệ sinh để liên lạc với đại sứ Martin vì ông không muốn ngay cả nhân viên trong tòa đại sứ biết việc ông tiếp xúc gần như thường trực với ông đại sứ Mỹ.
          Đại sứ Mérillon cho biết hôm đó Đại sứ Martin đã "lưỡng lự rất nhiều rồi mới nói với tôi rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam". Đại sứ Martin nói thêm rằng "đối với chính trường nước Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt ngay sau Hiệp định Paris 1973, vấn đề còn lại là giải thể quân đội Hoa Kỳ tại Đông Dương mà thôi". Đại sứ Mérillon tiết lộ rằng ông Martin muốn nhờ đại sứ Pháp làm trung gian chuyển đạt ý muốn của Mỹ cho phía Việt Cộng và đại sứ Pháp đã trả lời rằng "nếu không có gì trở ngại trong việc liên lạc thì tôi có thể làm thỏa mãn điều ông yêu cầu trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, vì phải phúc trình lên chính phủ Pháp cho nên xin ông đại sứ vui lòng gửi cho tôi một văn thư chính thức ủy thác cho tôi cái nhiệm vụ này". Đại sứ Martin trả lời rằng "điều đó không thể được. Người ta không muốn lưu lại bằng chứng". Đại sứ Mérillon bèn nói với Đại sứ Mỹ: "Như thế thì kể từ giờ phút này, nước Pháp sẽ đảm nhận vai trò tái lập hòa bình cho Việt Nam theo chủ thuyết của Pháp." Thật ra thì việc chính phủ Pháp dính dáng đến tình hình chính trị tại Miền Nam Việt Nam vào những ngày tháng cuối cùng của VNCH khởi đầu từ cuộc gặp gỡ giữa Phạm Văn Đồng và Đại sứ Pháp tại Bắc Việt hồi cuối tháng 1 năm 1975. Theo Oliver Todd, tác giả Cruel Avril thì Đại sứ Philippe Richer đến Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 1975. Cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh gọi tắt là ENA, tức là bạn đồng môn với Tổng Thống Pháp Giscard d'Estaing, nhà ngoại giao Richer vốn là tù nhân của Đức Quốc xã trong trại tập trung Buchenwald, cựu sĩ quan trong quân đội Pháp đã từng phục vụ tại Lào và ông ta rất hiểu rõ Cộng sản. Vài tuần trước khi ông Richer đến Hà Nội, Thủ Tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng đã nhờ ông Francois Missoffe, sứ giả đặc biệt của chính phủ Pháp tại Á châu, đòi người Mỹ phải áp lực để Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Phạm Văn Đồng tiếp đại sứ Philippe Richer lần đầu tiên vào cuối tháng giêng năm 1975 và trong cuộc gặp gỡ này, PhạmVăn Đồng đã nói với tân đại sứ Pháp: " tôi hy vọng rằng ông đại sứ mang đến cho tôi sự trả lời." Đại sứ Richer chỉ trả lời một cách ởm ờ vì ông không hề nhận được chỉ thị rõ rệt nào của chính phủ Pháp về vấn đề này. Vào ngày 22 tháng 3 năm 1975, trong một bữa tiệc khoản đãi ngoại giao đoàn tại Hà Nội, một cán bộ Cộng sản đến nói với đại sứ Richer: "Thưa ông Đại sứ, Thủ Tướng muốn nói chuyện với ông ngay bây giờ." Trong cuộc tiếp xúc này, Đại sứ Richer đã hỏi Phạm văn Đồng: "Thủ Tướng nghĩ thế nào về "lực lượng thú ba" tại Miền Nam?" Phạm Văn Đồng trả lời: "Nhóm đó là bạn của các ông. Bây giờ thì tình thế không thể thay đổi được nữa, người Pháp các ông phải làm một cái già Thiệu phải ra đi!"
          Đại sứ Philippe Richer suy nghĩ cặn kẽ và đến hai ngày sau thì ông mới phúc trình việc này về Bộ Ngoại Giao Pháp. Theo Paul Dreyfuss, tác giả cuốn "Et Saigon Tomba", thì vào ngày 24 tháng 3 năm 1975, trong một cuộc tiếp xúc với Đại sứ Pháp Philippe Richer tại Hà Nội, Thủ Tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng đã nói với Đại sứ Richer bằng một giọng đầy thúc giục : "thế nào, bao giờ thì người Pháp mới hành động? Bây giờ đã đến lúc các bạn của ông trong phe thứ ba ở Sài gòn nên bỏ bớt dè dặt để lật đổ Nguyễn Văn Thiệu và thành lập một chính phủ khả dĩ có thể nói chuyện được với chúng tôi". Vì lời lẽ khẩn khoản này của Phạm Văn Đồng, Đại sứ Philippe Richer vội vã bay về Paris để tường trình lên Chính phủ Pháp đề nghị mới này của CSBV. *[7] Theo Oliver Todd thì vào ngày 8 tháng 4 năm 1975, sau khi Cộng Sản chiếm Đà Nẵng, Phạm Văn Đồng lại tiếp kiến Đại sứ Philippe Richer và ông ta đã nói với đại sứ Pháp rằng Bắc Việt sẽ cần đến sự hợp tác của các chuyên viên cũng như là các nhà đầu tư người Pháp để giúp cho họ khai thác những mỏ dầu hỏa tại miền Nam thay thế cho các công ty Hoa Kỳ. Tuy được xem như là một người có khuynh hướng thiên tả, Đại sứ Philippe Richer không mấy tin tưởng gì đến những lời của Phạm Văn Đồng và ông ta tin rằng khi chiếm được Miền Nam thì chỉ có đảng Cộng sản nắm quyền và sẽ không có lực lượng thứ hai thứ ba nào khác. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Oliver Todd vào năm 1986 tại Paris, cựu đại sứ Richer đã cho biết rằng một trong những bức công điện ông gởi về Bộ Ngoại Giao Pháp đề cập đến những đề nghị của Phạm Văn Đồng, ông có trình bày ý kiến riêng của ông như vậy và do đó mà cả Bộ Ngoại Giao cũng như Tổng Thống Giscard d'Estaing không ưa ông. Oliver Todd nói rằng thật là một điều nực cười khi mà Đại sứ Richer, một người thiên tả lại chẳng tin tưởng gì đến những lời đường mật của Cộng sản Bắc Việt, trong khi đó thì Đại sứ Jean-Marie Mérillon, cũng là cựu sinh viên trường ENA, một người được xem như là khuynh hữu lại, nghĩ rằng có thể tin được vào những lời hứa hẹn của Bắc Việt qua Phạm Văn Đồng. Chính phủ Pháp liên lạc với Hoa Kỳ để tìm hiểu quan điểm của người Mỹ, tuy nhiên chính phủ của Tổng thống Gerald Ford lúc đó đang bị cả hai viện quốc hội do đảng Dân Chủ kiểm soát trói tay trói chân và không thèm quan tâm cứu xét đến những yêu cầu của TT Ford nhằm viện trợ khẩn cấp cho VNCH, do đó Hoa Kỳ đồng ý để cho Pháp vận động hòa bình cho Miền Nam Việt Nam. Sau khi được sự đồng ý của Hoa Kỳ, Tổng Thống Pháp Giscard D'Estaing đã ra lệnh cho đại sứ Pháp tại Sài gòn nổ lực dàn xếp với mọi phe phái ngõ hầu tìm cho được một giải pháp thuận lợi hơn cho Miền Nam Việt Nam. Đó là lý do tại sao đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean-Marie Mérillon đã tiếp xúc với đại sứ Mỹ Graham Martin ngày 18 tháng 4 năm 1975 và với sự khuyến khích của đại sứ Martin, ông đã đến gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập hai ngày sau đó. *Ngày Chủ Nhật, 20 tháng 4 năm 1975 Sáng chủ nhật 20 tháng 4, Đại sứ Mérillon vào Dinh Độc Lập gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và thuyết phục ông nên từ chức để cứu vãn tình hình vì phe Cộng sản dứt khoát không chịu thương thuyết với ông. Theo Frank Snepp và các tác giả của bộ "The Vietnam Experience" thì Đại sứ Mérillon vào gặp TT Thiệu trước Đại sứ Martin, tuy nhiên theo Oliver Todd thì ông đại sứ Pháp vào gặp Tổng Thống Thiệu sau ông đại sứ Hoa Kỳ. Oliver Todd cho biết vào buổi chiều ngày 20 tháng 4, Đại sứ Mérillon đến Dinh Độc Lập một mình và nói chuyện thẳng với TT Thiệu. Đại sứ Mérillon nói rằng: "Thưa Tổng Thống, tôi đến gặp Ngài tại vì tình hình đã trở nên vô cùng nghiêm trọng. Không còn là vấn đề quân sự nữa.- TT Thiệu không trả lời và Đại sứ Mérillon nói tiếp- Tôi thấy chỉ còn có vấn đề chính trị. Cần phải để cho một tiến trình chính trị được khai triển.." "Tổng Thống Thiệu ngồi nghe trong khi Đại sứ Mérillon tiếp tục trình bày gần như là độc thoại về những thực thể mà ông Thiệu dần dần bắt đầu hiểu. Đại sứ Mérillon nói rằng chính phủ chỉ còn nắm giữ được vài thành phố lớn nhưng ba phần tư lãnh thổ đã bị mất vào tay Cộng sản rồi ông đại sứ nói đến những mối liên lạc thân hữu giữa cá nhân hai người và cả giữa bà Thiệu với bà Mérillon nữa, ông kêu gọi đến trách nhiệm trước lịch sử, đến danh dự cá nhân và yêu cầu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên làm một sự hy sinh lớn lao cho dân tộc Việt Nam qua một sự thương thuyết không thể tránh khỏi để cho một vài quyền lợi nào đó còn có thể cứu vãn được "Tổng Thống Thiệu bắt đầu nói đến những tái phối trí cần thiết, về sự phản bội của người Mỹ và tinh thần chủ bại của một số tướng lãnh Rồi Tổng Thống Thiệu kết thúc cuộc hội kiến bằng một câu nói rất bình dân: "thôi, tới đâu hay đó" và ông đại sứ Pháp ra về." *[8] Vào hồi 10 giờ sáng, đến lượt Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin vào gặp Tổng thống Thiệu và cuộc họp kéo dài trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Đại sứ Martin trước hết trình bày với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về nhận định của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đối với tình hình quân sự hiện tại. Thực ra thì bản nhận định này đã được Frank Snepp, một nhà phân tích tình báo của CIA soạn thảo. Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp tiết lộ rằng ông đã được ông Polgar, Giám đốc CIA tại Sài Gòn ra chỉ thị phải "soạn thảo bản nhận định càng đen tối chừng nào càng tốt chừng đó. Đại sứ Martin sẽ dùng bản nhận định này để thuyết phục ông Thiệu rằng đã đến lúc ông ta phải ra đi." Đại sứ Martin đã đưa cho TT Nguyễn Văn Thiệu bản nhận định do Frank Snepp viết nguyên văn như sau: "Với sự sụp đổ của các cuộc phòng thủ của quân đội của chính phủ quanh tỉnh lỵ Xuân Lộc và sự tiếp tục gia tăng tập trung quân đội của Cộng sản trong Vùng 3 Chiến thuật, cán cân lực lượng trong vùng chung quanh Sài Gòn hiện nay đã nghiêng về phía Bắc Việt và Việt Cộng. Mặc dù chính phủ vẫn còn có thể tăng viện cho một trong những mục tiêu có thể sẽ bị tấn công như Biên Hoà-Long Bình ở về phía Đông Sài Gòn, các tỉnh Long An-Hậu Nghĩa ở về phía Tây hay là tỉnh Bình Dương ở về phía Bắc, tuy nhiên lực lượng của chính phủ sẽ không đủ sức mạnh để phòng thủ tất cả các mục tiêu này một cách hữu hiệu. Mặt khác về phía Bắc Việt và Việt Cộng thì chỉ trong vòng ba hay bốn ngày, họ lại có đủ khả năng phóng ra những cuộc hành quân phối hợp trên mức nhiều sư đoàn vào tất cả những mục tiêu này Như vậy thì chính phủ VNCH sẽ phải đối phó với một tình trạng mà trong đó Sài Gòn sẽ bị cô lập và sẽ không còn liên lạc được với bên ngoài chỉ trong vòng vài tuần lễ và có thể sẽ bị rơi vào tay của các lực lượng Bắc Việt-Việt Cộng trong vòng 3 hay 4 tuần lễ." (Frank Snepp nói thêm rằng ông muốn viết "chỉ một vài tuần lễ" nhưng Polgar không muốn như vậy. Frank Snepp cũng cho biết thêm rằng sau khi ra đi, ông Thiệu vẫn còn để lại bản nhận định này trên bàn trong Dinh Độc Lập. Khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn, Văn Tiến Dũng đã lấy được bản nhận định này và đã cho đăng nguyên văn trong cuốn sách "Đại Thắng Mùa Xuân" của y.)
          Sau khi trình bày với TT Thiệu về nhận định đầy đen tối về tình hình trong một vài ngày sắp tới, Đại sứ Graham Martin rào trước đón sau rồi nói rằng ông ta chỉ đến gặp ông Thiệu với tư cách cá nhân, ông ta không đại diện cho Tổng Thống Gerald Ford, không đại diện cho Ngoại trưởng Henry Kissinger và cũng không nói chuyện với tư cách là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đại sứ Martin sau này đã phúc trình với Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Mỹ rằng ông không hề nói với Tổng thống Thiệu là ông phải từ chức, ông chỉ "trình bày với Tổng thống Thiệu một cách rõ ràng, chính xác và khách quan về nhận định của người Mỹ đối với tình hình hiện tại." Đại sứ Martin nói trắng rằng đây là một việc mà chỉ có một mình Tổng thống Thiệu mới có quyền quyết định, tuy nhiên ông Đại sứ cũng "nhắc khéo" Tổng thống Thiệu là đa số người Việt Nam đều quy trách ông Thiệu là người phải chịu trách nhiệm trước sự thảm bại quân sự trong vòng hơn một tháng qua, đa số người dân Việt Nam không tin rằng ông Thiệu còn có đủ khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này và họ tin tưởng rằng nếu ông Thiệu ra đi thì việc thương thuyết với phe Cộng sản sẽ dễ dàng hơn. Tổng thống Thiệu hỏi Đại sứ Martin rằng nếu ông ra đi, liệu quốc hội Hoa Kỳ có thay đổi ý kiến mà bỏ phiếu chấp thuận viện trơ bổ túc cho VNCH hay không thì Đại sứ Martin trả lời rằng nếu cách đây vài tháng, việc đó có thể giúp cho VNCH có thêm được vài ba phiếu tại quốc hội Mỹ, tuy nhiên đó là việc đã qua. Đại sứ nói thêm rằng "giả thử như quốc hội Mỹ chấp thuận viện trợ bổ túc cho VNCH đi nữa thì sự viện trợ đó cũng không thể đến kịp thời để làm thay đổi tình hình quân sự tại miền Nam." Thật ra thì vào ngày 10 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford trong một bài diễn văn được truyền hình trên toàn nước Mỹ đã cho biết rằng ông đã yêu cầu Quốc hội cung cấp 722 triệu đô la viện trợ quân sự cho VNCH theo đề nghị của Đại tướng Frederick Weyand và còn xin thêm 250 triệu nưa ờđể cung cấp thực phẩm, thuốc men và cứu trợ cho ngư ời tỵ nạn, tuy nhiên đề nghị này đã bị thượng viện lúc bấy giờ do đảng Dân Chủ kiểm soát ngâm tôm. Qua ngày 16 tháng 4, trong một bài diễn văn đọc trước Hội Các Nhà Biên tập Báo chí Hoa Kỳ (American Society of Newspaper Editors), TT Ford đã lên án Quốc Hội bội ước không giữ đúng sự cam kết và nghĩa vụ trợ giúp cho VNCH trong khi Liên Xô và Trung Cộng lại gia tăng nổ lực viện trợ cho dồng minh của họ là Cộng sản Bắc Việt. Dùng ngôn từ của giới mộ điệu football, TT Ford nói rằng: "tôi cảm thấy muốn bệnh khi mà trong hiệp chót (của trận football), nước Mỹ đã không có một nổ lực đặc biệt nào, không có một chút cam kết dù là nhỏ nhoi trong việc viện trợ kinh tế và quân sự mà VNCH cần phải có để có thể tránh được tình trạng bi thảm này". Ngày hôm sau 17 tháng 4, Tiểu ban Quân Vụ của Thượng Viện Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát biểu quyết không chấp thuận bất cứ viện trợ quân sự bổ túc nào cho VNCH, điều này có nghĩa là Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ không còn đưa ra cứu xét vấn đề viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nữa. Qua ngày 18 tháng 4, quốc hội Hoa Kỳ thông đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la dành cho nhiều nước trên thế giới, nhưng trong số những quốc gia nhận được quân viện không có Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30 tháng 6 năm 1975, dù có còn tồn tại, VNCH cũng không còn nhận được một số tiền viện trợ nào dành cho quân sự nữa. Sau khi VNCH bị Cộng sản cưỡng chiếm, Đại sứ Graham Martin đã điều trần với quốc hội rằng: "tôi nói (với TT Nguyễn Văn Thiệu ) kết luận của tôi là dù các sĩ quan trong quân đội vẫn còn phải tiếp tục chiến đấu, nhưng gần như hầu hết các vị tướng lãnh của ông Thiệu đều tin rằng đó là một cuộc chiến đấu vô vọng, trừ khi mà bên cạnh sự chiến đấu đó phải bắt đầu khởi sự tiến trình thương thuyết. Tôi nói với ông Thiệu rằng các tướng lãnh tin tưởng rằng tiến trình đó không thể nào được khởi sự trừ khi ông Thiệu ra đi hoặc là ông Thiệu phải thực hiện ngay tiến trình thương thuyết đó với phe Cộng sản. Tôi nói tôi có cảm tưởng rằng nếu ông Thiệu không hành động ngay tức khắc thì các tướng lãnh của ông sẽ buộc ông phải ra đìa" Sau khi Đại sứ Martin đã nói hết những điều cần nói, Tổng thống Thiệu cam kết với ông Martin là ông "sẽ làm những gì mà tôi nghĩ rằng có lợi nhất cho đất nước của tôi." (còn tiếp)

CHÚ THÍCH
(3) Oliver Todd: "Cruel Avril", trang 88
(4) Bùi Diễm with David Chanoff: "In The Jaws Of History", Houghton Miflin Company, Boston 1987, trang 332
(5) Paul Dreyfuss: "Et Saigon Tomba", (Arthaud, Paris 1975), trang 171
(6) Oliver Todd: sđd, trang 312



Trở Về Trang Tài Liệu Không Quân Orlando